Cafe là một trong những thức uống tuyệt vời bên cạnh trà và rượu. Tại Sài Gòn, ly cà phê sữa đá dường như là một trong những loại thức uống đường phố gắn liền với cuộc sống của mọi người, từ người lao động đến dân văn phòng. Thế nhưng ngày nay có rất nhiều loại cà phê giả, cà phê độn hóa chất tràn lan trên thị trường, giá thành tuy rẻ nhưng chất lượng kém và có hại cho sức khỏe. Làm thế nào để phân biệt được cà phê thật với cà phê giả, cà phê nguyên chất với cà phê độn hóa chất. Các bạn hãy cùng với Shojo tìm hiểu cách phân biệt cà phê qua những gợi ý dưới đây nhé.
Phân biệt cà phê hạt nguyên chất và cà phê hạt tẩm phụ gia
Để tạo nên hương vị nồng nàn quyến rũ cho cà phê, nhiều người đã tẩm thêm phụ gia tạo mùi tạo vị. Về nguyên tắc, một chút bơ hay dầu ăn sẽ giúp hạt cà phê dễ rang hơn, mang mùi thơm hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều bơ hoặc tẩm những phụ gia như bột vani, bột cacao khiến cho hạt cà phê có mùi lạ, không thơm mùi đặc trưng của cà phê. Ngoài ra, phụ gia có thể khiến hạt cà phê nhờn dính, không được khô, dẫn đến việc bảo quản không được lâu như hạt cà phê nguyên chất.
Phân biệt bột cà phê thật và bột cà phê giả
Đối với cà phê nguyên hạt, việc tẩm ướp phụ gia có thể ảnh hưởng đến chất lượng cà phê, nhưng khả năng làm giả thấp so với cà phê bột. Tuy vậy, với thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quỹ thời gian không nhiều, bạn có thể thảnh thơi tự tay xay hạt cà phê rồi đem pha phin, chờ đợi tốn thời gian không? Làm thế nào để biết được bột cà phê của bạn là thật, là nguyên chất. Hãy tham khảo gợi ý dưới đây của Shojo nhé.
Dựa vào thể tích của bột cà phê
Cà phê bột có thể tích lớn hơn so với các loại bột xay từ các loại hạt khác do cà phê không chứa tinh bột. Khi cầm 2 gói cà phê bột cùng cân nặng lên bạn có thể thấy gói cà phê thật dường như được nhiều hơn, gói cà phê có độ lỏng khiến bạn có thể xóc lắc nghe âm thanh xào xạc bên trong. Còn gói cà phê giả do toàn tinh bột nên cảm giác cà phê bết dính với bao đựng, không thể xóc lắc và nhìn ít hơn.
Dựa vào mùi thơm của bột cà phê
Bột cà phê thật có mùi thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng, càng ngửi càng thấy thơm quyến rũ. Trong khi đó, bột cà phê giả thường được làm từ các loại hạt không phải cà phê nên tẩm ướp rất nhiều phụ gia, dẫn đến mùi thơm mạnh, thậm chí là gắt, càng ngửi càng thấy nồng, khó chịu.
Dựa vào màu sắc và độ mịn
Có rất nhiều loại cà phê, chính vì vậy, khi rang xay, cà phê cũng có rất nhiều màu sắc và độ mịn của hạt cà phê không giống nhau. Tuy vậy chúng vẫn có vài điểm chung.
Cà phê thật và được rang xay đúng kỹ thuật sẽ có màu nâu đậm, cũng có loại có màu đen nâu nhưng không bao giờ có màu đen thui. Loại cà phê có màu đen thui có thể là bột bắp, bột đậu được rang cháy để giả dạng bột cà phê.
Cà phê thật khi xay ra có độ mịn vừa phải, cà phê rất tơi xốp. Trong khi đó cà phê giả thường rất mịn, nhưng bết dính, thiếu độ tơi xốp.
Dựa vào trạng thái bột cà phê khi pha phin
Bột cà phê thật khi được chế vào phin và rót nước sôi bạn sẽ thấy bột hơi nổi nhẹ lên, đến khi ngấm nước sẽ nở ra và từ từ chìm xuống phin, trên mặt bột cà phê có thể có sủi bọt nhẹ và mùi cà phê lan tỏa nhẹ nhàng.
Đối với bột cà phê giả, do có lượng tinh bột cao nên khi rót nước sôi vào lập tức bột cà phê bị dính, đặc quánh và xẹp xuống đáy phin, không có hiện tượng sủi bọt nhẹ hoặc nếu có thì sủi bọt rất mạnh ở phần nước cà phê dưới phin do chất tạo bọt, mùi cà phê mạnh, thậm chí là hắc nồng do đó là hóa chất.
Phân biệt cà phê nguyên chất dựa vào nước cà phê
Với các loại cà phê ngoài đường phố đã được pha sẵn, làm thế nào để biết được bạn đang thưởng thức cà phê thật, cà phê nguyên chất mà không phải là cà phê tẩm phụ gia, cà phê giả?
Dựa vào màu nước cà phê
Nước cà phê thật pha ra có màu nâu cánh gián hoặc nâu đậm nhìn rất hấp dẫn, trong khi đó nước cà phê giả có màu đen thui. Nguyên do là bột cà phê giả là các loại bột hạt rang cháy nên nước pha ra cũng mang màu “cháy”. Hoặc do bột cà phê giả được tẩm ướp phụ gia có màu cà phê nên nước cà phê mang màu sắc bất thường.
Dựa vào độ đặc của nước cà phê
Nước cà phê thật nguyên chất 100% sẽ loãng “giống như nước lọc” nhưng có màu sắc và hương thơm nhẹ nhàng. Trong khi nước cà phê giả lại sóng sánh “giống nước tương xì dầu”.
Khi cho đá vào nước cà phê, khuấy đều lên, bạn vớt viên đá ra kiểm tra. Đối với cà phê thật, viên đá vẫn trong. Đối với cà phê giả, viên đá sẽ bị ngả màu đen hoặc nâu, dính dính.
Dựa vào lớp bọt trên ly cà phê
Nước cà phê thật khi pha với đường có thể lên bọt, nhưng là lớp bọt mỏng nhẹ, hơi sủi lăn tăn quanh mép ly. Còn đối với nước cà phê giả, khi pha đường bọt sẽ sủi lên giống như “bong bóng xà bông”.
Dựa vào hương vị khi thưởng thức
Cà phê thật nguyên chất 100% luôn có dư vị hơi chua nhẹ sau vị đắng đặc trưng của cà phê và hương thơm luôn nhẹ nhàng thoang thoảng. Trong khi đó, cà phê giả và cà phê không nguyên chất có vị rất đắng, hương thơm gắt. Sở dĩ như vậy bởi nhiều người Việt Nam không thích cái dư vị “chua” vốn có của cà phê nên nhà sản xuất đã cho vào các chất độn, phụ gia át đi cái hương vị “thật” của cà phê.
Để thưởng thức được ly cà phê thật 100%, các bạn đọc hãy chú ý đến những gợi ý trên đây của Shojo nhé. Hãy vì sức khỏe của bản thân mà làm người thông thái không việc chọn lựa đồ uống cho bản thân. Chúc các bạn luôn vui vẻ khi thưởng thức ly cà phê thơm ngon.
Ở tp.HCM, để có thể thưởng thức cà phê nguyên chất 100%, các bạn có thể liên hệ https://www.facebook.com/TieuLatTieu/. Hân hạnh được phục vụ các bạn.
Shojo Katoh
(Hình ảnh trong bài chỉ mang tính chất minh họa)